Hăm tã không phải là bệnh nghiêm trọng nhưng nếu phòng, trị bệnh không kịp thời, không đúng cách thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ.

Hăm tã là một hiện tượng rất thường gặp ở trẻ em từ vài tuần tuổi cho đến 24 tháng tuổi. Tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng nếu phòng và trị bệnh không kịp thời cũng như không đúng cách, hăm tã sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ.

Tìm hiểu về chứng hăm tã ở trẻ?

Làn da của bé thực ra rất mỏng và dễ bị tổn thương, nhất là da các bé sơ sinh lại càng mỏng manh hơn. Các cơ chế bảo vệ của da bé cũng còn non yếu, khả năng chống lại vi khuẩn và các chất độc hại trong môi trường rất kém. Các chuyên gia chỉ ra những điều này dẫn đến tổn thương ở da bé khi tiếp xúc, cọ xát với tã có chất liệu thô ráp, không an toàn.

Hiện tượng hăm tã hay còn gọi là viêm da do kích ứng cũng xuất phát từ việc cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc bé cho dù tã được làm từ chất liệu tốt. Nếu mẹ mặc tã cho bé quá chật, vệ sinh không sạch sau khi bé tiểu, đại tiện sẽ dẫn đến tích tụ chất dơ trong kẽ da ở vùng nhạy cảm, tạo điều kiện cho vi trùng và nấm phát triển, gây hăm tã. Ngoài ra, khi mẹ cho bé chuyển từ uống sữa sang ăn dặm, bé có thể bị tiêu chảy kéo dài do chưa quen với thức ăn mới. Ngày thứ hai sau khi bị tiêu chảy có thể xuất hiện tình trạng hăm do bé phải thường xuyên mặc tã.

Đôi khi mẹ thường chủ quan khi thấy con có triệu chứng hăm tã mà không biết rằng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, viêm da sẽ lan rộng và nguy hiểm hơn, dễ đưa đến nhiễm khuẩn và bội nhiễm, gây khó khăn cho quá trình điều trị. Theo các bác sỹ, nếu để tình trạng hăm tã kéo dài có thể gây tổn thương vùng sinh dục của trẻ.

Mẹ nên làm gì để bảo vệ và chăm sóc bé khỏi chứng hăm tã?

Cách tốt nhất là chăm sóc da bé cẩn thận để ngăn chặn hăm tã ngay từ đầu. Vì vậy, mẹ nên chọn cho bé tã hay quần áo bằng chất liệu mềm mại, không gây kích ứng, sử dụng những sản phẩm chăm sóc da phù hợp và vệ sinh đúng cách để ngăn ngừa cho bé khỏi chứng hăm tã. Khi mặc tã cho bé, mẹ nên mặc tã vừa vặn hoặc rộng hơn một chút để vùng da nhạy cảm của bé được thông thoáng.



Khi hăm tã xuất hiện thì mẹ nên nhẹ nhàng, cẩn thận rửa sạch vùng da bị hăm, lau khô, bôi thêm thuốc mỡ chứa Dexpanthenol & Lanolin sau mỗi lần thay tã. Hoạt chất Lanolin (mỡ cừu) giúp tạo màng phân cách giữa da bé với các tác nhân gây kích ứng da như nước tiểu, phân, trong khi đó hoạt chất Dexpanthenol là chất tiền vitamin B5 giúp dưỡng ẩm và điều trị các thương tổn trên da bé. Tác động kép Dexpanthenol và Lanolin sẽ giúp bảo vệ bé tránh xa chứng hăm tã nên mẹ có thể dùng thường xuyên sau khi tắm cho bé.

Hiện nay, giải pháp sử dụng thuốc mỡ bôi để phòng ngừa và điều trị hăm tã đang rất phổ biến, giải pháp này đã được chứng minh tính hữu hiệu trên nhiều nghiên cứu lâm sàng. Do da bé rất nhạy cảm nên tốt nhất bố mẹ chọn loại thuốc mỡ không có chất tạo màu, tạo mùi và chất bảo quản để đảm bảo an toàn cho da bé.



Chăm sóc da cho bé đúng cách để ngăn tình trạng hăm tã

Nếu tình trạng hăm tã xuất hiện dai dẳng và không trị dứt được bằng các phương pháp thông thường hoặc khi bé bị sốt hay vùng hăm tã có dấu hiệu bị nhiễm trùng (ra mủ vàng, phồng da nghiêm trọng) mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để kịp thời điều trị.

Mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc và vệ sinh da bé hàng ngày để ngăn ngừa tình trạng hăm tã. Ngoài ra mẹ cũng nên quan sát biểu hiện của trẻ để kịp thời phát hiện, theo dõi và chữa trị đúng cách, đem đến cho làn da bé yêu cảm giác thoải mái và an toàn nhất.