Instagram là một trong những kênh marketing quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay. Đây là trang mạng xã hội tiềm năng cho việc đầu tư vào nội dung marketing, quảng cáo, truyền thông và quan hệ khách hàng. Instagram có khả năng thúc đẩy tương tác rất tốt và mang về khoản lợi tức đầu tư trên mức trung bình cho marketer, thương hiệu, doanh nghiệp. Dưới đây là một số xu hướng marketing được dự kiến sẽ phổ biến trên Instagram vào năm 2019.
Đọc thêm: Digital
IGTV sẽ thực sự phát huy thế mạnh
Ra mắt vào tháng 6, IGTV là platform video mới dành riêng cho người dùng di động. Không giống như Youtube hay các platform videostreaming khác, IGTV được thiết kế dành cho việc phát lại các video theo chiều dọc, vô cùng thích hợp cho các marketer và những nhà sản xuất nội dung nhắm đến người dùng điện thoại.
Tại sao lại là màn hình dọc? Bởi vì chúng ta đều có thói quen cầm điện thoại theo chiều dọc. Nếu video cũng được định dạng vừa vặn với chiều dọc thì sẽ thoải mái hơn khi sử dụng. So với dạng video ngắn từng được Instagram phát triển như trước đây thì IGTV cho phép người dùng đăng tải những video dài hơn. Giới hạn thời gian tối đa cho mỗi video đăng trên IGTV sẽ là: 10 phút cho người dùng thông thường; 1 tiếng cho những tài khoản nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi. Như vậy thì nội dung sẽ được truyền tải nhiều hơn đến người xem.
Chẳng hạn như Traveloka là một trong những thương hiệu tại Việt Nam sử dụng IGTV cho việc đăng tải video, tiếp cận đến nhiều người hơn. Nhiều thương hiệu khác cũng đã cập nhật xu hướng mới, truyền tải những đoạn video quảng bá hình ảnh thương hiệu cũng như sản phẩm của mình thông qua IGTV.
Những thương hiệu nhỏ sẽ “thống trị” Instagram
Nếu là một người thường xuyên sử dụng Instagram, cập nhật được hầu hết những tính năng mới và nắm bắt được sự phát triển của ứng dụng thì chắc chắn bạn sẽ nhận ra một điều rằng: các thương hiệu nhỏ luôn có những hoạt động marketing rất mạnh ở platform có hơn 1 tỷ người dùng này.
Không giống với những trang mạng xã hội khác, hướng truyền thông của Instagram là đẩy mạnh tương tác và kể câu chuyện thương hiệu (Storytelling). Và những thương hiệu nhỏ lại nắm bắt và thực hiện rất tốt việc này. Như chúng ta có thể thấy, ở Việt Nam, những thương hiệu nào xây dựng Instagram theo hướng đầu tư cho hình ảnh lẫn nội dung đi kèm luôn có rất nhiều lượt theo dõi. Đồng thời, tương tác giữa họ với người theo dõi cũng rất tốt.
Quảng cáo trên Instagram Stories
Một trọng những cách hữu hiệu nhất trong việc truyền tải trực tiếp thông điệp đến người xem mà những người làm quảng cáo hay các tài khoản Instagram cá nhân thường hay sử dụng là Instagram Stories. Được ra mắt từ tháng 3 năm 2017, Stories ads – ứng dụng quảng cáo dành cho mọi tài khoản doanh nghiệp đã được các thương hiệu lớn nhỏ hưởng ứng rất nhiều.

Với Stories ads, người dùng có thể chèn banner quảng cáo toàn màn hình vào giữa 2 stories của tài khoản cá nhân. Nhưng để quảng cáo của bạn đạt hiệu quả thì đòi hỏi hình ảnh và nội dung phải thật bắt mắt, thu hút và gây chú ý với người xem. Còn không thì bạn sẽ có một khoản đầu tư thất bại. Tuy đây là vấn đề cơ bản nhưng cũng có không ít thương hiệu mắc sai lầm kiểu chỉ đầu tư cho quảng cáo mà không chú ý đến nội dung truyền tải. Hiện tại thì người dùng đã chăm sử dụng Instagram Stories hơn, các doanh nghiệp cũng đang tận dụng lợi thế này để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn.
Theo công bố của Socialbakers – trang web thống kê dữ liệu của Facebook cho thấy các doanh nghiệp bắt đầu quảng cáo ở Instagram nhiều hơn bao giờ hết. Tỷ lệ các vị trí quảng cáo Instagram ngày càng tăng, đạt 43 phần trăm tháng 3. Điều này chứng tỏ trong số quảng cáo mà các marketers đã chạy trên Facebook và Instagram thì có gần một nửa số đó người dùng chọn Stories ads.